Quanh quẩn trong nhà, mẹ già mắc bệnh
Bà Lê Thị Lợi (75 tuổi, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy), sống cùng người giúp việc trong ngôi nhà 4 tầng. Từ khi chồng bà mất, bà không biết trò chuyện cùng ai ngoài bốn bức tường. Hàng xóm nhà bà cũng toàn những người trẻ nên cả ngày đi làm, tối về đóng cửa. Các con bà đều đã ra ở riêng, thỉnh thoảng mới về thăm bà và gửi tiền cho cô giúp việc đi chợ. Mấy lần bà ngồi nói chuyện với cô giúp việc nhưng khoảng cách tuổi tác và tính chất của công việc nên cô giúp việc cũng không thể nghe bà tâm sự. Từ một người phụ nữ hay nói, hay cười, bà Lợi trở nên ít nói. Bà hay cáu gắt và chửi bới người khác vô cớ. Lúc nào bà cũng có suy nghĩ có người khác đang theo dõi mình và muốn hại mình.
Trầm cảm ngày càng tăng ở người cao tuổi
Các con bà đã đưa bà đến bệnh viện tâm thần khám nhưng bà quả quyết với bác sỹ mình không có bệnh. Sau một vài ngày nằm viện, tâm lý của bà khá hơn. Lúc này, bà tâm sự với bác sỹ về việc có một người ngày nào cũng theo dõi bà hàng ngày. Bà đi đâu làm gì người này cũng lén lút đi theo nhưng khi quay lại thì lại không thấy đâu. Về trường hợp của bà Lợi, bác sỹ điều trị cho bà cho biết bà bị bệnh trầm cảm lâu ngày sinh hoang tưởng. Bác sỹ cũng cho biết, những người cao tuổi bị bệnh như bà Lợi không phải là hiếm nhất là những người sống ở các thành phố lớn, các khu đô thị.
Thời gian đầu, chứng trầm cảm ở người cao tuổi bắt đầu từ việc lơ là, thiếu quan tâm từ những người người thân trong gia đình làm giảm sự hứng thú của họ trong cuộc sống. Sau đó dẫn đến các biểu hiện lo lắng, sợ sệt và mất tin tưởng liên tiếp rồi cuối cùng là tâm thần.
Kê đơn trầm cảm
Thực tế, bệnh trầm cảm có thể được cải thiện bằng những can thiệp mang tính cộng đồng. Những người thân trong gia đình nên tổ chức các cuộc vui chơi, dã ngoại để khuyến khích người cao tuổi tự rèn luyện sức khỏe. Nếu có thể, nên để người cao tuổi tiếp tục làm việc hoăc tổ chức học thêm để bổ sung kỹ năng mềm, tăng khả năng giúp đỡ con cháu. Gia đình nên chuẩn bị cho người cao tuổi một chế độ ăn uống hợp lý, ngon miệng, dễ tiêu và không cần kiêng khem quá mức. Người cao tuổi nên giữ tâm lý thoải mái trong bữa ăn.
Những người cao tuổi mắc bệnh ảo giác dễ sợ hãi, kích động, lo âu, thậm chí hoang tưởng nên rất nguy hiểm đến tính mạng vì vậy, không nên để họ sống cô đơn, một mình.
Người cao tuổi phải uống nhiều loại thuốc do thường mắc nhiều bệnh nên đôi khi làm giảm tác dụng của thuốc trầm cảm hoặc khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Vì vậy dùng thuốc trầm cảm cho người già do chức năng gan thận suy yếu nên dễ bị tác dụng phụ hay ngộ độc. Đặc biệt không sử dụng rượu bia trong khi điều trị bệnh.
Cuối cùng bản thân người cao tuổi cũng cần biết chấp nhận hiểu qui luật tuổi già tránh các hoạt động thái quá, tăng cường các hoạt động nhẹ nhàng, tránh thụ động ngồi không, biết tìm niềm vui trong các chuyện đơn giản…