Trong xã hội hiện đại, nhiều người già đã lựa chọn nhà dưỡng lão một cách tự nguyện để vừa được chăm sóc vừa giúp con cái yên tâm công tác.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: Viện dưỡng lão: Xu hướng của xã hội hiện đại?

Một buổi chiều yên bình tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Orihome ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, trong nắng thu dịu nhẹ, những người già chậm rãi đi dạo trong khuôn viên của trung tâm. Một nhóm cụ bà thì ngồi nói chuyện rôm rả trong phòng ở. Còn tại phòng sinh hoạt chung, 5-7 cụ ông đang ngồi bàn chuyện và chuẩn bị cho buổi tập yoga.

Dù quy mô không lớn nhưng trung tâm đã được đầu tư đảm bảo cho 40-50 cụ sinh hoạt, dưỡng bệnh thường xuyên. Một ngày của các cụ thường bắt đầu từ 6h sáng bằng hoạt động thể dục, ăn sáng, đọc báo, tập yoga …Tùy theo thể trạng, bệnh tật, các cụ sẽ được phân nhóm để tiện chăm sóc. Chế độ ăn uống cũng không giống nhau, nhất là người bị áp huyết hoặc tiểu đường. Các phòng ở sạch sẽ, ngăn nắp, phòng 2 người, 4 người hoặc 8 người, đầy đủ tiện nghi như ti-vi, tủ lạnh, tủ cá nhân, toillet, bình nóng lạnh…

Trong căn phòng nhỏ của mình, sau bữa ăn nhẹ buổi chiều, ông Nguyễn Ngọc Tâm ở quận Đống Đa, Hà Nội đang ngồi xem các chương trình ti vi mà mình yêu thích. Ông tâm sự, vào viện dưỡng lão là quyết định của chính bản thân ông và được các con ủng hộ. Sau hơn 1 năm sinh sống ở đây, ông cho rằng mình đã quyết định đúng.

Ông Nguyễn Ngọc Tâm nói: “Nói chung, ở đây sinh hoạt tốt, con cháu vào thăm tôi luôn. Lúc đầu, các cháu cũng băn khoăn mãi, là cho cụ vào đó thì người ta nói cho. Xong tôi giải thích, mình đi dưỡng lão còn hơn ở nhà nhiều. Ăn uống có chế độ, nền nếp, có điều kiện thời gian giải trí”.

Trong xã hội hiện đại và với tốc độ già hóa dân số nhanh như ở nước ta, nhu cầu vào viện dưỡng lão ngày càng nhiều. Hầu hết mô hình dưỡng lão ở Việt Nam đều được Nhà nước bảo trợ và được phân bổ theo địa giới hành chính, mỗi tỉnh từ 1 đến 3 trung tâm, thực tế vẫn quá ít so với nhu cầu. Vì vậy, việc khuyến khích nhân rộng mô hình nhà dưỡng lão tư nhân hoàn toàn phù hợp với bối cảnh và nhu cầu của xã hội.


Các cụ già sinh sống ở Trung tâm Orihome ngồi nói chuyện tại phòng sinh hoạt chung (Ảnh: Lê Thơm)

Riêng ở Hà Nội có thể kể tới các viện dưỡng lão như: Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Thiên Đức, Orihome, Nhà tuổi vàng, Trung tâm Phù Đổng, Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng…Những địa chỉ này đều có cơ sở hạ tầng, khuôn viên thuận tiện cho người già sinh hoạt và nhân viên chăm sóc cũng được tập huấn, đào tạo bài bản. Chi phí giao động từ 5 – 8 triệu đồng/người/tháng, có nơi còn cung cấp dịch vụ cao cấp hơn với chi phí hơn 10 triệu đồng một tháng.

Bà Đỗ Hoàng Anh, người sáng lập Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Orihome, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Về mô hình chăm sóc hiện nay tại Orihome, có mô hình chăm sóc tại trung tâm, chăm sóc ban ngày, có thể đi – về và mô hình chăm sóc tại nhà hoặc tại bệnh viện. Về lâu dài, chúng tôi cũng muốn bổ sung thêm dịch vụ điều dưỡng và phục hồi chức năng. Với viện dưỡng lão thì luôn cố gắng để làm sao các cụ gắn bó, quan trọng nhất là sự kết nối với gia đình và tạo ra bầu không khí như gia đình lớn để mọi người chia sẻ”.

Việc thành lập các trung tâm chăm sóc người cao tuổi đang là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, việc thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực này còn nhiều khó khăn. Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, các trung tâm do tư nhân thành lập hầu hết không được hưởng chính sách ưu đãi bởi những quy định khá cứng nhắc. Chẳng hạn quy định về việc trung tâm đó phải phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, việc xây dựng các trung tâm chăm sóc người cao tuổi là lĩnh vực khó, không chỉ đòi hỏi chuyên môn mà cần cả tấm lòng, tâm huyết với người cao tuổi.

Ông Đỗ Mạnh Hùng cho rằng: “Tôi nghĩ phải tiếp tục có đổi mới về định hướng chính sách, tiếp tục nỗ lực trong hoạt động của các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền và phải làm tốt hơn công tác tuyên truyền đề làm sao có nhiều tổ chức, nhiều cá nhân không những mong muốn mà được hỗ trợ thực sự để đầu tư vào lĩnh vực này, trong đó có nội dung trực tiếp là xây dựng các trung tâm dưỡng lão, trung tâm chăm sóc người cao tuổi”.

Có một thực tế là hiện nay nhiều người già đang phải chịu cảnh sống cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình khi con cháu bận bịu với công việc, học hành. Chính vì vậy, việc đưa người cao tuổi tới các viện dưỡng lão tư nhân đang là sự lựa chọn của nhiều gia đình. Vào đây, người cao tuổi được chăm sóc tốt hơn, được giao lưu, trò chuyện và sinh hoạt theo một chế độ riêng. Hàng tuần, hàng tháng, con cháu có thể đến thăm và họ sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi ông bà, cha mẹ của họ có cuộc sống an bình ở các trung tâm dưỡng lão này.

Chương trình Gia đình Việt – VOV2 (Đài TNVN
Nguồn : http://radiovietnam.vn/ArticleMobile/xa-hoi/2015/10/vien-duong-lao-xu-huong-cua-xa-hoi-hien-dai/
mm

By Chủ Tịch Xã

Một người đơn giản, muốn mang những gì gần gũi thân yêu nhất đến mọi người...

Leave a Reply