“Gió lên lay động hoa bằng lăng thướt tha! Hoa diễm kiều, hoa mặn mà, màu hoa tươi thắm lắm hoa ơi…cũng như câu chuyện tình ta xây ước mơ …
Ca từ và giai điệu mượt mà trong bài ca vọng cổ Hoa tím Bằng lăng của soạn giả Linh Châu gợi nhắc đến một loài hoa – cây cảnh khá quen thuộc trên nhiều đường phố, công viên.
Nhưng có lẽ ít ai biết Bằng lăng còn là cây thuốc quý có thể chữa được bệnh tiểu đường.
Bằng lăng nước có nhiều công dụng làm thuốc tùy theo bộ phận dùng: Hạt gây ngủ; Vỏ thân và lá làm thuốc hãm uống trị ỉa chảy; Rễ làm se, kích thích và hạ nhiệt; Quả dùng đắp ngoài trị bệnh áp-tơ miệng (tổn thương loét đau ở miệng); Lá được nhân dân các nước Philippines, Ấn Độ hãm uống như trà để chữa tiểu đường.
Nhiều nghiên cứu dược lý hiện đại trong và ngoài nước đã chứng minh thành phần acid corosolic có nhiều trong lá và quả già Bằng lăng nước có tác dụng làm giảm đường huyết và giảm béo phì.
Hoạt chất này đã được nghiên cứu chiết xuất và sử dụng rộng rãi làm thuốc chữa tiểu đường và béo phì tại nhiều nước trên thế giới.
Các nhà khoa học đã chứng minh lá và quả già Bằng lăng nước có tác dụng hạ đường huyết tốt nhất.
Lá non và hoa cũng có tác dụng chữa bệnh nhưng hiệu lực chỉ bằng 70% so với quả và lá già. Một số cách dùng:
– Dạng trà thuốc: 50g lá già hoặc quả khô hãm với 0,5 lít nước sôi, uống 4 – 6 cốc mỗi ngày để phòng và chữa bệnh tiểu đường. (20g lá và quả khô trong 100 cc nước có tác dụng tương đương với 6 – 7,7 đơn vị insulin).
– Một số sản phẩm chứa cao khô Bằng lăng nước chuẩn hóa hàm lượng acid corosolic 1% có liều dùng là 16 – 48mg/ngày.
Kết quả thử độc tính cho thấy cao khô Bằng lăng nước tuyệt đối an toàn khi sử dụng và chưa có báo cáo về tác dụng phụ được công bố.
Tuy nhiên, cần lưu ý sử dụng thận trọng trong các trường hợp trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú.
Bệnh nhân tiểu đường đang sử dụng thuốc hạ đường huyết nhóm sulfonylureas (Glipizide và Glyburide) cần phải điều chỉnh liều nếu sử dụng kết hợp với sản phẩm chứa Bằng lăng nước.