Theo Đông y, rau cải hoang có vị cay, tính ấm, đi vào kinh phế, can có tác dụng giảm ho, long đờm, hoạt huyết, tiêu ứ.
Các tên khác: Cải hoang, Cải cột xôi, Cải ma lùn, Đình lịch.
Tên khoa học: Rorippa indica (L.) Hiern (Nasturtium indicum (L.) DC.), thuộc họ Cải -Brassicaceae.
Đặc điểm: Cây thảo cao 20-50cm, thân phân nhánh từ gốc, có rãnh, nhẵn hay có lông. Lá mọc từ rễ, có cuống, có 2-4 tai; còn những lá khác đơn, thu hẹp ở gốc thành cuống ngắn, thon lại ở chóp, khía tai bèo có răng ở mép. Hoa vàng, nhỏ, xếp thành chùm đứng ở ngọn; cánh hoa 4, dài hơn lá đài, nhị 4 dài, 2 ngắn. Quả cải dạng sợi, dài 2-2,5cm, rộng 1mm, có vòi nhuỵ dài 1mm, chia 3 van với 3 gân mảnh. Hạt xếp 2 dãy, hình tim, trái xoan dẹp, màu hung hung, rất nhỏ.
Cải hoang (cải cột sôi)
Phân bố: Cây của vùng lục địa Đông Nam Á châu, mọc hoang ở rẫy, ruộng bỏ hoang, bãi sông, nơi ẩm ướt đến 2000m. Thu hái toàn cây quanh năm, rửa sạch, phơi khô hoặc dùng tươi.
Thành phần hóa học có trong cải hoang: Cây chứa rorifone, rorifamide. Còn có caroten, vitamin C.
Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Rorippae, thường gọi là Hân thái.
Tính vị, tác dụng: Vị cay, tính ấm; có tác dụng làm long đờm, ngừng ho, hoạt huyết, lợi tiểu, giúp tiêu hoá, tiêu tích.
Tác dụng chữa bệnh, tốt cho sức khỏe theo đông y:
– Sốt nóng mùa hè, môi khô, nóng khát; đun sôi toàn cây Cải hoang lấy nước để uống thay trà.
– Chữa bệnh cổ trướng, dùng Cải hoang sao 12g, Trần bì 12g, vỏ rễ Dâu (lấy lớp trắng) 24g, Gừng sống 3 lát, sắc uống lúc đói. Hoặc dùng riêng một vị Cải hoang, sao và tẩm rượu 7 lần, tán nhỏ, uống mỗi lần 2 -3 thìa hoà với rượu vào lúc đói (Nam dược thần hiệu).
– Chữa viêm gan thể giữ nước, viêm phổi tràn dịch màng phổi, ho suyễn ngực căng tức, phù tim mặt sưng thở gấp và viêm thận cấp, đái ít, phù to: Cải hoang 12g, Mạch môn chế bỏ lõi, Ý dĩ sao, Xa tiền, Ngưu tất, Mộc thông, Dành dành và Huyền sâm, đều 12g, sắc uống (Lê Trần Đức).
– Cải hoang 20 – 30g nấu canh ăn hoặc hãm trà uống 5 – 7 ngày, bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, giải thử, bù tân dịch. Thích dụng cho những người cảm sốt, háo khát, mất nhiều mồ hôi… Có thể cho thêm lá sen non để nâng cao hiệu quả.
– Cải hoang, sài đất, tất cả đồng lượng 20 – 30g đem xào hoặc nấu canh ăn 5 – 10 ngày. Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm tán kết. Thích dụng trị các chứng rôm sảy, lở ngứa, viêm họng cấp và mạn tính, ho, viêm phổi, mụn nhọt…
– Cải hoang, lá sen non, mã đề, tất cả đồng lượng 15 – 20g đem nấu canh ăn hoặc sắc uống hằng ngày, có tác dụng thanh can, giáng hoả, lợi niệu, tiêu phù, phá báng tích. Thích dụng cho các trường hợp gan nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hoá gan, xơ gan cổ trướng, viêm nhiễm đường tiết niệu…
– Cải hoang 20 – 30g, hoàng kỳ 15 – 20g, chân giò lợn 20 – 30g. Hoàng kỳ sắc kiệt lọc lấy nước bỏ bã, sau đó cho chân giò vào ninh nhừ, tiếp đó cho rau cải hoang vào nấu canh ăn 2 – 3 bữa trên tuần. Bài thuốc có tác dụng bồi bổ cơ thể, thích dụng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, người mới ốm dậy, thiếu máu, sau phẫu thuật, phụ nữ mới sinh nở, thời kỳ kinh nguyệt…
– Cải hoang 20g, củ cải 10g, mã đề 20g, tất cả đem xào hoặc nấu canh ăn 5 – 7 ngày, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp tiêu phù. Thích dụng trong các trường hợp viêm gan thể ứ nước, suy tim, tràn dịch màng phổi, viêm thận cấp và mạn tính, tiểu ít, tiểu khó, tiểu rắt…
– Cải hoang 5 – 10g, hoa bưởi 3 – 5g đem hãm trà uống hằng ngày có tác dụng ích khí, cường vị, tiêu thực. Thích dụng trong các trường hợp ăn uống khó tiêu, đầy bụng sinh hơi, viêm loét dạ dày, nôn nấc, ngáp vặt…
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.