Theo văn hóa Việt, việc chăm sóc người già tại gia đình hiện nay vẫn được coi là sự lựa chọn số 1.
Theo văn hóa Việt, việc chăm sóc người già tại gia đình hiện nay vẫn được coi là sự lựa chọn số 1. Vậy để chăm sóc tại gia đình, con cái, thậm chí là “osin” cũng cần phải được trang bị các kỹ năng chăm sóc chứ không phải chăm sóc theo cảm tính, tự phát, thiếu kỹ năng, thiếu kinh nghiệm.
Phải có tâm
Chuyên gia tư vấn tình cảm – tâm lý gia đình Lê Thị Túy cho biết, với truyền thống của người Việt Nam, hầu hết người cao tuổi đều thích sống cùng với con cháu. Tuy nhiên, có một thực tế là không ít con cháu hoặc người giúp việc đều không có kỹ năng chăm sóc người già. Điều này gây khó khăn cho việc chăm sóc người già, đồng thời còn tạo ra áp lực cho chính người phải chăm sóc.
Vì thế, những người chăm sóc cần phải học các kỹ năng chăm sóc. Điều này đặt ra cho xã hội nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực không chuyên, ví dụ như các lớp tập huấn ngắn hạn về chăm sóc người cao tuổi, cũng như sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật nhằm giúp những người có cha mẹ già yếu được tiếp cận với các kỹ năng chăm sóc người cao tuổi.
Cũng theo vị chuyên gia này, việc học kỹ năng chăm sóc không phải là quá khó. Bên cạnh chuyện tham gia các khóa huấn luyện, đào tạo (nếu có), chúng ta có thể học từ sách báo, tìm hiểu từ các nguồn thông tin mở, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng với những người cùng hoàn cảnh. Ngoài ra, qua quá trình chăm sóc, người chăm sóc có thể tự mình rút kinh nghiệm và tự điều chỉnh cho phù hợp, các kỹ năng chăm sóc sẽ tự bản thân nảy ra. Tuy nhiên, để làm được điều đó, người chăm sóc đòi hỏi phải có “tâm”, có tình cảm yêu thương, kính quý ông bà, cha mẹ mình và luôn mong muốn làm được điều tốt nhất để chăm sóc họ.
Ví dụ, nếu người cao tuổi còn làm việc được, hoặc có thể giúp đỡ con cái việc cơm nước, đi chợ, trông cháu thì nên được khuyến khích để không cảm thấy mình là người thừa, đồng thời sự “vận động” cũng giúp nâng cao sức khoẻ cả về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, cần tìm hiểu rõ ông bà, cha mẹ có vui lòng làm những việc đó không hay thích tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào đoàn thể… Tùy vào sở thích, thể trạng sức khoẻ của cha mẹ để lựa chọn những hình thức sống phù hợp.
“Osin” cũng cần phải học Nâng cao kỹ năng chăm sóc người cao tuổi
ThS Trần Mạnh Hoàng, chuyên gia giáo dục kỹ năng sống, Trung tâm Bồi dưỡng và Phát triển kỹ năng mềm cho biết, hiện ở các thành phố lớn đã bắt đầu hình thành đội ngũ nhân lực chăm sóc người già khá chuyên nghiệp. Họ được các trung tâm huấn luyện và đào tạo bài bản, có những người thậm chí là các y tá, điều dưỡng viên, là những người có kiến thức, chuyên môn chăm sóc người cao tuổi.
Các gia đình có thể ký hợp đồng dịch vụ chăm sóc người già, người ốm đau, bệnh tật tại nhà, theo giờ, hoặc cả ngày, thậm chí cả trực đêm. Công việc của họ chỉ là trông nom, chăm sóc và hỗ trợ người già các việc ăn uống, vệ sinh cá nhân, thậm chí cả tiêm, cho uống thuốc hay xử lý các tình huống sơ cứu thông thường khi cần thiết. Tuy nhiên, để người già có thể được hưởng dịch vụ chăm sóc chất lượng tốt như vậy, chi phí gia đình phải bỏ ra cũng không hề nhỏ.
Chính vì thế, thay vì nhờ đến bộ phận “chuyên nghiệp” này, nhiều gia đình đã chọn hình thức thuê “osin” chăm sóc. Tuy nhiên, đối tượng này chủ yếu là thành phần nông dân, họ không có kiến thức, kỹ năng chăm sóc người già yếu, may thì tìm được người gọi là biết việc, không may thì phải hướng dẫn, đào tạo dần dần. Hơn nữa, họ thường phải “kiêm nhiệm” thêm cả làm việc nhà, nấu ăn, giặt giũ cho gia đình… nên khó có thể chuyên tâm chăm sóc người già.
Vì thế, để đảm bảo việc chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi thì ngay cả lực lượng người giúp việc cũng cần được tham gia các khóa tập huấn, huấn luyện chăm sóc người già. Có như thế, những người giúp việc mới được trang bị đầy đủ các kỹ năng để tâm sự, nói chuyện với người già, kỹ năng vệ sinh cho người cao tuổi (ví dụ như tắm rửa), xử lý các tình huống liên quan chăm sóc người già…
Khi người cao tuổi mệt mỏi dễ sinh “trái tính trái nết” thì cần nhất con cháu, người chăm sóc phải biết lựa cách ứng xử cho phù hợp với trạng thái tâm lý, tình cảm của người già, cốt yếu là ở đạo đức, ở sự yêu kính, quý trọng, ứng xử sao cho người già khỏi tủi thân.ThS Trần Mạnh Hoàng