Từ 30 tuổi, não bộ bắt đầu nhẹ đi, mạng lưới thần kinh và dòng máu tưới nuôi não cũng bắt đầu suy giảm. Bệnh tâm thần ở người càng lớn tuổi khó phát hiện.
Bệnh tâm thần ở người lớn tuổi khó phát hiện, đôi khi từ chính họ và họ thường từ chối tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng, kể cả từ người thân. Các yếu tố như thông tin chết chóc, bệnh lý thực thể nặng của người thân (kể cả của người không quen biết trong cộng đồng dân cư) thường tác động tới cảm xúc và có thể là nguyên nhân dẫn đến suy giảm hoạt động tâm thần ở người lớn tuổi.
Ngày càng nhiều người lớn tuổi chết vì các bệnh không lây nhiễm như tim, ung thư, đái tháo đường nhiều hơn các bệnh lý do nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng. Ảnh hưởng của những loại bệnh này đối với tâm thần là rất lớn, ví dụ trầm cảm ở người đái tháo đường làm giảm khả năng tuân thủ điều trị, giảm kiểm soát chuyển hóa, giảm chất lượng cuộc sống, tăng chi phí điều trị, tàn phế và mất sản phẩm xã hội, cuối cùng là tăng nguy cơ tử vong.
Các bệnh lý tâm thần thường gặp ở người lớn tuổi
1. Sa sút tâm thần
Năm 2012, Hội Alzheimer quốc tế đánh giá có tới 4,7% người trên 60 tuổi bị bệnh Alzheimer (chỉ chiếm khoảng 50% các trường hợp sa sút tâm thần), tương đương 35,6 triệu người chung sống với bệnh Alzheimer và sẽ tăng gấp 2 lần mỗi 20 năm. Khoảng 60-80% trường hợp sa sút tâm thần do thoái hóa thần kinh não bộ như bệnh Alzheimer, các bệnh thoái hóa thần kinh khác cũng là nguyên nhân sa sút tâm thần như bệnh Parkinson, bệnh Huntington. Một số bệnh gây tổn hại não bộ như đột quỵ do nguyên nhân mạch máu, bệnh xơ vữa mạch máu như tăng huyết áp, tăng cholesterol… Ngoài ra còn có các bệnh lý khác như chấn thương sọ não, u não, xơ cứng rải rác lan tỏa, sử dụng ma túy… cũng có thể dẫn tới sa sút tâm thần.
Chi phí chăm sóc điều trị bệnh Alzheimer so với thu nhập quốc dân tính theo đầu người thay đổi từ 0,24% ở nước nghèo và 1,24% ở nước giàu. Hiện nay chưa có phương pháp trị liệu khỏi bệnh Alzheimer đồng thời với quan niệm và hiểu biết về căn bệnh này là rào cản phát hiện chẩn đoán sớm.
2. Trầm cảm
Triệu chứng trầm cảm ở người lớn tuổi có phần khác với trầm cảm ở người ít tuổi, đó là nhiều biểu hiện thực thể hơn, đặc biệt triệu chứng đau, do đó tỷ lệ bệnh lý đồng thời cao hơn và tạo ra thách thức chẩn đoán cho bác sĩ chuyên khoa. Biểu hiện giảm quan tâm hứng thú thường được bỏ qua vì quan niệm đó là chuyện “bình thường” ở người lớn tuổi, nhất là đối với người Việt Nam. Các biểu hiện lo lắng, sợ sệt và mất tin tưởng trở nên phổ biến hơn. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh tình trạng stress, trầm cảm ngay sau tuổi trung niên góp phần làm tăng nguy cơ sa sút tâm thần.
Trầm cảm ở người lớn tuổi có thể chữa trị được, nhưng thách thức đầu tiên là nhận ra bệnh trầm cảm và giúp người bệnh tìm đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần sớm. Chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm đòi hỏi thật cẩn thận về liều lượng và nên kết hợp chăm sóc tâm lý trị liệu. Cần lưu ý người lớn tuổi bị trầm cảm nặng không được chữa trị có thể dẫn tới tự tử hoặc lạm dụng rượu.
3. Lo âu
Các rối loạn lo âu, cơn hoảng loạn và ám ảnh sợ gây tác động xấu đến cuộc sống rất lớn ở 10% người lớn tuổi. Lo âu làm tăng các triệu chứng bệnh lý thực thể và việc điều trị cần kết hợp với điều trị trầm cảm cũng như với bệnh lý cơ thể kèm theo.
Stress, lo âu trầm cảm và một số thể loại ám ảnh ngày nay hầu như không thể tránh được. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm bớt hậu quả xấu kéo dài nếu đi khám chuyên khoa sớm, đừng bao giờ tự dùng thuốc và lạm dụng thuốc chuyên khoa tâm thần vì đặc tính tương tác phức tạp của chúng.
4. Các rối loạn tâm thần khác
Các bệnh tâm thần khác, từ rối loạn khí sắc lưỡng cực đến xung động ám ảnh, nghiện ma túy hay bệnh ít gặp như tâm thần phân liệt vẫn có thể xảy ra ở người lớn tuổi. Các bệnh loạn thần cũng thường gặp và là nguyên nhân dẫn đến triệu chứng ảo giác, niềm tin bất thường và suy giảm khả năng tư duy. Tỷ lệ các rối loạn trên có thể lên tới 5% người lớn tuổi trong cộng đồng và cao hơn nhiều ở các nhà dưỡng lão.
Làm thế nào để ổn định trạng thái tâm thần khi lớn tuổi
Khi lớn tuổi, chúng ta không còn khả năng nhớ lại những sự kiện mới xảy ra hay nhớ chi tiết một cách nhanh chóng như khi còn trẻ. Từ 30 tuổi, não bộ bắt đầu nhẹ đi, mạng lưới thần kinh và dòng máu tưới nuôi não cũng bắt đầu suy giảm cho dù não bộ chúng ta cũng thích ứng và sản sinh những thành phần mới cũng như có thể giữ lại được khả năng hoạt động tâm thần, giữ lại được trí tuệ nhưng chúng ta cần nhiều thời gian rèn tập.
Gần đây, nhiều nghiên cứu đã chứng minh giữ gìn sức khỏe thể chất góp phần “giữ gìn sức khỏe của não bộ”, hoạt động cơ thể và tiết chế ăn uống giúp giảm nồng độ cholesterol trong máu và huyết áp thấp, sức lực dồi dào cho phép cơ thể phân phối nhiều oxy cho não. Hơn nữa, các hoạt động kích thích não bộ như chơi chữ, đọc sách báo, học kỹ năng mới cũng giúp não bộ duy trì tuổi xuân.
Để ngăn ngừa bệnh tâm thần, chúng ta hãy chủ động hoạt động cơ thể một cách đều đặn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích như:
– Duy trì và cải thiện trí nhớ.
– Duy trì và cải thiện khả năng hoạt động tâm thần.
– Phòng ngừa suy giảm hoạt động trí tuệ.
– Vui vẻ, phòng ngừa và làm nhẹ trầm cảm.
– Cải thiện sức khỏe thể lực.
Trong thực tế, nhận thức của rất nhiều người còn chưa đúng và có phần đơn giản như chưa có chữ tâm thần. Người bị bệnh động kinh, bệnh nhân hay gia đình có người tự tử vì trầm cảm, người nghiện ma túy vẫn đang còn bị xa cách như một sự kỳ thị trong mọi quan hệ xã hội. Tình trạng này có thể làm trì trệ phát triển chuyên khoa tâm thần mà hơn 200 năm trước các bậc tiền bối đã nhắc nhở không riêng cho nhân viên ngành y mà cho tất cả mọi người.
Bác sĩ CKII Phạm Văn Trụ
Bệnh viện Tâm thần TP HCM