Ai đã từng về thăm miền Tây hay đã từng ăn lẩu cá kèo, lẩu mắm mà chưa nếm thử món rau đắng? Ai đã biết rau đắng còn là một vị thuốc giúp trị khá nhiều chứng bệnh; và nhất là rất có lợi cho gan mật? Thêm một điều đặc biệt nữa là rau đắng đã được nhạc sĩ Bắc Sơn đưa vào âm nhạc qua ca khúc nổi tiếng “Còn thương rau đắng mọc sau hè”.
Cây rau đắng có đắng không?
Trong tài liệu “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”: rau đắng đất hay còn gọi là cây xương cá hay cây càng tôm là loài cây cỏ mọc bò gần sát mặt đất, lá nhỏ có bẹ chìa, hoa màu hồng tím mọc tụ 1-5 hoa ở kẽ lá.
Rau đắng đất là một loại cây dân dã gắn liền với đời sống của người dân miền Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Nó là gia vị không thể thiếu trong món cháo cá lóc hay món lẩu cá kèo, lẩu mắm của người dân nơi đây.
Thứ rau này tuy dễ kiếm nhưng lại hiếm khi bán ngoài chợ; thường là người dân tìm thấy, nhổ cả bụi, mỗi chỗ một ít đem về rửa sạch nấu canh ăn. Thứ rau này mới cho vào miệng thì có vị đắng, nhưng khi trôi xuống họng lại có vị ngọt khó quên.
Tác dụng chữ bệnh của cây rau đắng không phải ai cũng biết
Trong dân gian, từ lâu rau đắng đã được sử dụng làm bài thuốc chữa viêm gan, làm mát gan và tiêu độc cho cơ thể rất hiệu quả. Nhiều người dân vùng Nam Bộ sử dụng loại rau này để giải rượu, giúp cơ thể tránh mệt mỏi.
Theo y học cổ truyền, toàn cây rau đắng đất có vị đắng, tính mát, không độc, quy vào kinh can, thận. Cây có tác dụng lợi tiêu hóa, nhuận gan, ích mật, thanh nhiệt, sát trùng bàng quang, ăn nhiều có thể chữa đái buốt, sỏi thận, giải độc..
Theo y học hiện đại, rau đắng đất có thành phần chính là các saponin, flavonoid, tanin, cây có chứa nhiều vitamin C, chất xơ rất có lợi cho người mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao. Ngoài ra trong rau đắng có chứa đường, tinh dầu và một ít ancaloit.